Trung Nguyên, vùng đất cổ kính với hàng nghìn năm lịch sử phong kiến và những cuộc chiến vương quyền vĩ đại. Từ cổ đại đến nay Trung Quốc không biết đã trải qua bao lần thành lập kinh đô, từ Triều Ca (nhà Thương), Cảo Kinh (nhà Chu) đến Bắc Kinh ngày nay. Xuyên suốt 5000 năm lịch sử, có bốn vùng đất được các bậc quân vương lựa chọn làm kinh đô nhiều nhất, đồng thời cũng là bốn kinh đô nổi tiếng, phồn thịnh bậc nhất.

Trường An
Trường An hay còn gọi là Tây An, nằm trên đồng bằng Quan Trung là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà, nơi 11 vương triều Trung Quốc như Tây Chu, Tây Hán, Tân, Tây Tấn, Tiền Triệu, Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường.… chọn làm kinh đô trong suốt 1.100 đến 1.500 năm lịch sử. Vào thời nhà Minh, tên của thành được đổi thành Tây An, và tên gọi này được duy trì cho đến nay. Trường An vốn có nghĩa là “Trường trị cửu an” (Đất nước thái bình thịnh trị mãi mãi). Hiện nay Trường An, Cairo (Ai Cập), Athens (Hy Lạp) và Roma (Ý) được gọi là “Thế giới tứ đại cố đô” tức bốn cố đô lớn nhất thế giới.


Mưu sĩ nổi tiếng thời Hán là Trương Lương từng kiến nghị Lưu Bang đóng đô Trường An vì nơi này 3 mặt giáp núi, tám trăm dặm Tần Xuyên, dễ thủ khó công, thật là nơi đất quý phong thủy của triều đại muôn đời.
Trong toàn bộ thế đất, dãy Tần Lĩnh chính là long mạch của Trường An. Trong 11 thế kỷ, xuyên suốt thời đại Hán – Đường, các dòng sông xung quanh đã tạo thành hình thế “tám rồng chầu Trường An”. Sức mạnh Trung Hoa trong hai triều Hán – Đường cũng đạt đến đỉnh cao.
Sau nhà Đường, do biến đổi khí hậu, tám dòng sông lớn quanh Trường An dần khô cạn. Dù Quan Trung vẫn là nơi đất tốt, nhưng hình thế phong thủy ở giai đoạn sau không còn được như Hán – Đường. Địa vị của Trường An từ sau nhà Đường cũng từ kinh đô của cả Trung Hoa suy giảm xuống thanh trung tâm một vùng.
Hoàn toàn trái ngược lại với cái tên của mình, Trường An (có nghĩa bình an mãi mãi), đây là nơi đã chứng kiến không biết bao nhiều âm mưu tranh giành, soán ngôi đạt vị, là nơi khởi đầu cũng như kết thúc của nhiều vị vua, là nơi diễn ra những câu chuyện lịch sử bi tráng được nhiều người biết đến. Trường An là cũng chính là mắt xích đầu tiên và cũng là điểm cuối cùng phía Đông của Con đường tơ lụa huyền thoại.
Đây chính là một trong những nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với các nhân vật vô cùng nổi tiếng như Tần Thủy Hoàng, Đường Tam Tạng, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, Võ Tắc Thiên…
Danh thắng nổi tiếng nhất ở Tây An là lăng mộ Tần Thủy Hoàng và đội quân đất nung. Đội quân đất nung tinh nhuệ được xây dựng với mục đích bảo vệ vị vua này. Có thể xem là đây là trong những ý tưởng điên rồ nhất trong mọi thời đại. Đội quân đất nung còn được biết đến là đội quân bất tử. Người dân tại Tây An thường lưu truyền với nhau rằng cứ vào đêm trăng tròn, đạo quân này sẽ sống dậy và thề bảo vệ vị vua của họ mãi mãi.
Lạc Dương
Trong lịch sử, Lạc Dương còn được gọi là Lạc Ấp hay Lạc Châu nhưng Lạc Dương vẫn là tên gọi chính của thành phố này. Lạc Dương đã từng là kinh đô của 13 triều đại Trung Quốc trong suốt hơn 1.500 năm, bao gồm các nhà Đông Chu, Đông Hán và Bắc Ngụy. Ngoài ra, thành phố này còn có các tên gọi như “Đông Đô” (東都, nghĩa là kinh đô phía đông), “Tây Kinh” (西京, nghĩa là “kinh đô phía tây”) hay “Kinh Lạc” (京洛, nghĩa là kinh đô chung của cả Trung Quốc).


Vào thời Trung Cổ, Lạc Dương là một trong những đô thị nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Tính đến nay, thành phố có lịch sử hơn 3.000 năm và là kinh đô của 13 triều đại phong kiến, sở hữu 13 di sản thế giới. Tuy nhiên, Lạc Dương lại không nổi tiếng bằng Athen của Hy Lạp hay La Mã của nước Ý, dù cũng là những đế chế hùng cường vào thời đó, bởi những di sản hầu như đã bị phá hủy nhiều mà tất cả hiện nay chỉ còn là tàn tích và được phục dựng lại. Có lẽ vì vậy, người ta gọi Lạc Dương là “kinh đô bị lãng quên”.
Lạc Dương mệnh danh là “thần đổ” vì nơi này là cái nôi của nền văn minh Hoa Hạ. Đồng thời, Lạc Dương cũng là vùng đất tập trung nhiều tao nhân mặc khách như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… Ngoài ra, Lạc Dương còn được gọi là “thi đô” (đô thành của thi nhân) hay “hoa đô” (nghĩa là đô thành hoa nở) vì tập trung rất nhiều hoa mẫu đơn đẹp nhất Trung Quốc.
Lạc Dương được coi là cái nôi của Phật giáo Trung Hoa. Trong số các công trình Phật giáo của Lạc Dương thì Bạch Mã Tự là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên và tiêu biểu nhất của Trung Quốc. Từ thời nhà Đường và Bắc Ngụy đến nay đã có tới hơn 100.000 bức tượng Phật lớn nhỏ được khắc trên đá, có bức cao đến hơn 10 mét. Ở đây, người dân tạc rất nhiều tượng trên vách đá vì theo quan niệm dân gian từ xưa là khi khắc một bức tượng Phật cũng như tạo phúc cho bản thân, thế nên vua chúa thời này ra sức tạc thật nhiều tượng Phật để tạo phúc cho mình.
Tại Lạc Dương, phía bắc có Mang Sơn làm bình phong, phía nam có Y Khuyết sừng sững, phía tây có Tần Lĩnh, phía đông có Tung Nhạc. Tứ phía quan ải trùng trùng, đông là Hổ Lao quan, tây có Hàm Cốc quan, nam là Hoàn Viên quan, bắc có Mạnh Tân Cổ Độ (Mạnh Tân quan). Toàn bộ tinh hoa phong thủy tại Lạc Dương tập trung ở Mang Sơn. Mang Sơn là rồng, là “đầu” của Lạc Dương. Không có Mang Sơn, phong thủy Lạc Dương chỉ còn một nửa.
Từ thời Tùy Đường việc trồng mẫu đơn rất phổ biến và đến đỉnh cao thời Tống ở Lạc Dương thì càng phát triển, đến nay mảnh đất đó được coi là “thiên hạ vô địch” về loài hoa này. Không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử và tín ngưỡng, Lạc Dương nổi tiếng như là trung tâm nuôi trồng gần 200 loài mẫu đơn đẹp nhất của Trung Quốc, với hàng loạt triển lãm hoa mẫu đơn – mang tên “Lạc Dương mẫu đơn hội” – được tổ chức mỗi năm ở đây.
Nam Kinh
Tọa lạc trên đồng bằng sông Dương Tử, Nam Kinh là một trong những thành phố quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vào thế kỷ 3, Nam Kinh bắt đầu phát triển khi trở thành kinh đô của triều đại Đông Ngô (thời Tam quốc). Bấy giờ, thành phố này thường được gọi là Kiến Nghiệp hoặc Kiến Khang.


Nam Kinh luôn là một trong những thành phố quan trọng của Trung Quốc, đã từng là kinh đô của 6 triều đại phong kiến Trung Hoa và là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc, đây còn là trung tâm giáo dục, nghiên cứu, giao thông vận tải và du lịch trong suốt lịch sử Trung Hoa thời cận đại. Nam Kinh là thành phố trung tâm thương mại lớn thứ hai ở Đông Trung Quốc sau Thượng Hải.
Thời Tam Quốc, Khổng Minh Gia Cát Lượng đã viết về Nam Kinh như sau: “Chung Sơn long bàn, thạch đầu hổ cứ, chân nại đế vương chi trạch dã” nghĩa là “Núi Chung thế rồng cuộn, đá hình hổ phục, thật là chốn đế vương vậy”.
Trải qua hàng trăm năm có thịnh có suy, tới cuối đời Nhà Nguyên, Kim Lăng trở thành căn cứ địa mới của Chu Nguyên Chương, thế lực quân phiệt lớn mạnh nhất thời kì đó. Sau khi triều Minh được thành lập, Kim Lăng được đổi tên mới là Nam KinhNơi đây trở thành kinh đô của nhà Minh trong suốt thời kì trị vì của Chu Nguyên Chương và cháu trai là Huệ đế Chu Doãn Văn. Tới thời Dân QuốcNam Kinh trở thành nơi đặt bộ máy chính quyền trung ương của nước Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1927 tới khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949 dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông.
Nam Kinh là kinh đô của nhiều triều đại trong lịch sử Trung Quốc nên di sản văn hóa để lại vô cùng phong phú. Côn khúc là một trong những loại hình hí khúc nổi tiếng và có thanh thế nhất. Bình đàn là một hình thức kể chuyện kèm theo âm nhạc, cũng tương đối phổ biến ở Nam Kinh. Tích kịch là một loại hình hí kịch truyền thống Trung Quốc, khá thông dụng tại Nam Kinh
Nhìn chung, Nam Kinh là một vùng đất có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông đều xinh đẹp. Mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp riêng nên du khách có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, Nam Kinh đẹp nhất là vào mùa xuân (tầm tháng 3 đến tháng 4 hằng năm). Lúc này hoa anh đào dọc các con phố bắt đầu bung nở rất đẹp. Từ tháng 10 – tháng 11 là mùa đông, tuy khá lạnh nhưng cũng là mùa Nam Kinh thơ mộng nhất.
Các địa điểm cổ kính nổi tiếng nhất của Nam Kinh có thể kể đến như: đền Khổng Tử, cung điện nhà Minh, Trung Hoa môn, Minh Hiếu Lăng,..
Bắc Kinh
Theo tài liệu cổ, Bắc Kinh được hình thành cách đây hơn 3.000 năm vào thời Yên. Đây là kinh đô của 6 vương triều phong kiến, bao gồm những đế quốc hùng mạnh như Nguyên (1271-1368), Minh (1421-1644) và Thanh (1644-1911). Bắc Kinh luôn giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc nhờ địa thế chiến lược: thành phố nằm ở phía đông bắc, được bao quanh bởi những dãy núi cao ngăn cách với Mãn, Mông về phía bắc và kết nối với lưu vực Dương Tử bằng Đại Vận Hà.


Bắc Kinh (北京) có nghĩa là “Kinh đô phía bắc”, phù hợp với truyền thống chung của Đông Á khi kinh đô được dứt khoát đặt tên như chính nó. Ở Trung Quốc, thành phố này có nhiều lần được đặt tên lại. Giữa thời gian từ 1368 đến 1405, và sau đó lại một lần nữa từ 1928 đến 1949, thành phố này có tên là Bắc Bình, có nghĩa “hòa bình phía bắc” hay “bình định phía bắc”.
Trong cả hai trường hợp, tên được đổi – bằng cách bỏ từ “kinh” – để phản ánh hiện thực là kinh đô đất nước đã chuyển đến Nam Kinh, lần đầu tiên dưới thời Hồng Vũ hoàng đế Nhà Minh, và lần thứ hai dưới thời Chính phủ Quốc dân của Trung Hoa Dân Quốc, lúc đó Bắc Kinh không phải là kinh đô của Trung Hoa.
Kinh kịch là một thể loại kịch nghệ truyền thống được biết đến khắp Trung Quốc. Kinh kịch thường được tán dương là một trong các thành tựu lớn nhất của văn hóa Trung Quốc. Thể loại kịch nghệ này được biểu diễn với việc kết hợp điệu hát, đối thoại, và hành động theo quy luật liên quan đến cử chỉ, chuyển động, chiến đấu và nhào lộn.
Các di sản tôn giáo của Bắc Kinh rất phong phú và đa dạng như tôn giáo dân gian Trung Quốc, Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo đều có sự hiện diện lịch sử quan trọng trong kinh đô.
Trải qua 800 năm lịch sử với các triều đại, nhưng Bắc Kinh vẫn lưu giữ được những quần thể kiến trúc cổ như Miếu, Đàn, Uyển, Cung, Đình… cùng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tử Cấm Thành, Quảng trường Thiên An Môn, Cố Cung, Di Hòa Viên, Thiên Đàn, Trường Thành, Thập Tam Lăng.
hay