“Lấy đồng làm gương có thể sửa sang áo mũ; lấy lịch sử làm gương có thể biết được sự hưng vong của quốc gia; lấy người làm gương, có thể rõ cái được mất của bản thân mình.”
Trong lịch sử Trung Quốc, đại thần dám dùng lời nói thẳng để can gián nhà vua có lẽ nổi tiếng nhất là Ngụy Trưng dưới triều Đường.
Năm Trinh Quán thứ 8 (634), triều thần dám can gián nhà vua ngày càng nhiều, trong đó có một số có những lời can chưa phù hợp. Khi đó, phụ nữ thích búi tóc cao, Ngự sử trung thừa Hoàng Phủ Đức Tham thậm chí còn cho rằng “Cung nữ trong Hoàng cung cần phải theo như thế”. Nghe được, Lý Thế Dân rất tức giận, mắng:
– Chắc người trong cung phải cắt hết tóc đi các người mới vừa lòng chăng?
Rồi ông mắng nhiếc, chuẩn bị xử phạt Hoàng Phủ Đức Tham.
Ngụy Trưng đứng ngay đấy, kiên quyết phản đối việc làm này. Ông nói:
– Từ cổ tới nay, tấu chương can gián thường có thiên kiến, không phải vì thế mà nói là coi thường vua. Xưa, vua Thuấn trị thiên hạ chỉ mong được biết những sai lầm của mình. Bệ hạ cần thấy rõ cái được mất, chỉ cần mọi người mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, nếu họ nói đúng, tất nhiên sẽ có ích cho bệ hạ, còn nếu nói không đúng, cũng không có gì làm hại bệ hạ. Động một chút là trị tội, liệu còn ai dám nói nữa?
Trước lời lẽ khảng khái vừa có lý, vừa có tình của Ngụy Trưng, Đường Thái Tông nghe mà tâm phục khẩu phục, lập tức bãi bỏ ý định trị tội Hoàng Phủ Đức Tham.
Có một giai thoại nói rằng, Nguỵ Trưng không hề kiêng nể Lý Thế Dân, tranh cãi với vua đến đỏ mặt tía tai, mặt mũi sa sầm, nổi nóng.
Sau khi thoái triều, Đường Thái Tông hầm hầm về nội cung, thấy Trưởng Tôn hoàng hậu, liền bực tức nói: “Thế nào cũng có ngày ta phải giết chết lão già nhà quê đó. Là Ngụy Trưng làm nhục trẫm trước mặt đại thần, không sao nhịn được nữa”.
Có lần Ngụy Trưng thẳng thắn phê bình Lý Thế Dân: “Thái độ tiếp thu lời can gián của Bệ hạ hiện giờ không bằng năm xưa. Những năm đầu niên hiệu Trinh Quán, Bệ hạ khao khát lắng nghe lời can gián, chỉ sợ mọi người không nói gì; về sau Bệ hạ cũng vui vẻ nghe lời khuyên can; hiện nay Bệ hạ vẫn nghe can gián, nhưng thường tỏ vẻ không vui, đám triều thần đều thấy cả”.
Thấy vậy, Hoàng hậu cười nói: “Thiếp nghe nói chỉ có bậc minh quân mới có được các đại thần chính trực. Nay Ngụy Trưng có thái độ chính trực như vậy, thiếp không thể không chúc mừng bệ hạ”.
Nghe thấy vậy, Đường Thái Tông lập tức nguôi giận, ngẫm lại: “Mọi người đều nói Ngụy khanh có lời nói cử chỉ thô lỗ, nhưng ta thấy đó chính là chỗ đáng yêu của ông ta”.
Rõ ràng là Ngụy Trưng đã không phụ đánh giá của Thái Tông, ông trước sau đã can gián vua tới hơn mười vạn lần, đề xuất nhiều chủ trương kiệt xuất như “chở thuyền lật thuyền”, “mười suy nghĩ” được sử sách coi là “có thể trở thành tấm gương cho đế vương muôn đời”.
Cho nên, Thái Tông đã từng nói trong một yến tiệc:
– Trước Trinh Quán, người cùng với Trẫm bình định thiên hạ không ai có thể sánh kịp là Phòng Huyền Linh, sau Trinh Quán, người tận tâm tận lực, thẳng thắn khuyên can, làm an quốc gia, lợi dân chúng, làm rạng rỡ công nghiệp của Trẫm, được coi là đạo của thiên hạ, chỉ có Ngụy Trưng.
Ngụy Trưng ngang hàng Tể tướng , nhưng vẫn ở trong ngôi nhà đơn sơ. Năm Trinh Quán thứ 16, ông bị bệnh nặng, Thái Tông đã cho dùng những vật liệu chuẩn bị xây dựng cung điện để sửa sang nhà cửa cho ông. Nhưng Thái Tông biết thói quen của Ngụy Trưng, không dám cầu kỳ. Một hôm, Thái Tông tới bên giường Ngụy Trưng thăm hỏi, rơi lệ hỏi Ngụy Trưng có dặn dò gì. Ngụy Trưng nói:
– Vợ con, thần không vương vấn, duy chỉ có mối lo tới sự an nguy của quốc gia….
Mấy hôm sau, một đêm Thái Tông nằm mộng thấy bệnh tình của Ngụy Trưng đã thuyên giảm, trong buổi thiết triều, ông lại cất lời can gián. Nhưng sáng sớm, Thái Tông được báo tin Ngụy Trưng đã qua đời. Nhà vua vô cùng đau đớn, bèn đích thân tới nhà khóc thương, ban lệnh không thiết triều năm ngày, cho dùng những nghi thức trang trọng nhất để cử hành tang lễ. Nhưng bà quả phụ Bùi thị nói: “Ngụy Trưng một đời cần kiệm giản dị, dùng nghi thức trang trọng thế này sao phù hợp với chí hướng của ông ấy” từ chối không tiếp nhận. Cuối cùng, Thái Tông đành cho người dùng xe trâu đưa quan tài tới nơi chôn cất.
Thái Tông lên tầng cao nhất ở lầu phía tây, nhìn theo đoàn người đang vang tiếng khóc than, Vua nói với người xung quanh:
– “Lấy đồng làm gương” có thể sửa sang áo mũ; lấy lịch sử làm gương có thể biết được sự hưng vong của quốc gia; lấy người làm gương, có thể rõ cái được mất của bản thân mình. Trước sau Trẫm có ba tấm gương, Ngụy Trưng nay đã ra đi, ba tấm gương không còn toàn vẹn nữa.
Sau khi việc hậu sự đã hoàn tất, trong hòm sách của Ngụy Trưng người ta phát hiện một biểu chương, đó là những dòng chữ cuối cùng của ông trước lúc lâm chung. Chữ viết không được rõ ràng, chỉ có mấy dòng có thể đọc được, ý nói: Con người ai cũng có thiện ác, dùng thiện thì quốc gia bình an, dùng ác, quốc gia tất hỗn loạn. Với các đại thần trong triều, bệ hạ có thể yêu, có thể ghét. Nếu thích sẽ nhìn thấy cái thiện, không thích sẽ chỉ nhìn thấy cái ác. Chỉ khi nào nhìn thấy cái ác của người mình thích, thấy cái thiện của người mình không thích mới có thể dùng được hiền thần để chấn hưng quốc gia…
Thái Tông nói với quần thần:
– Di biểu của Ngụy công viết đã rất rõ ràng, để tránh cho Trẫm mắc phải những sai lầm, các khanh hãy viết những dòng chữ này lên tường để nhắc nhở Trẫm từng giờ từng khắc.
Không lâu sau, Thái Tông hạ chiếu thư: “Thời gian qua, Ngụy Trưng đã chỉ cho Trẫm những sai sót của mình. Ngụy Trưng đã mất, Trẫm ngày càng không rõ, lẽ nào chỉ có lời của ông ấy mới dám chỉ ra những sai lầm của Trẫm? Các khanh nói, nếu Trẫm không tiếp thu đó là trách nhiệm của ta. Nếu ta tiếp thu, nhưng không có người nói thì đó là trách nhiệm của ai?”
Cuối đời, tuy vẫn bước tiếp trên con đường đã định, dần dần Đường Thái Tông cũng trở thành người tự mãn, nhưng mỗi lần ngồi một mình trên lầu cao, nhớ lại các danh tướng , hiền thần nhà vua vẫn không quên được Ngụy Trưng như đang đứng trước mặt.