Nằm gai nếm mật
Thành ngữ này được sử dụng trong thời gian cuộc sống đang có những khó khăn vất vả và đòi hỏi sự chịu đựng để chờ ngày tươi sáng sẽ đến.
Câu này nghe qua hẳn ai cũng hiểu ý ngĩa nhưng không hẳn ai cũng biết nó bắt nguồn từ một điển tích có thật trong lịch sử.
Nguyên là trong thời kì Chiến Quốc, Ngô và Việt là hai nước cạnh nhau, chiến tranh trong nhiều năm. Sau trận Cối Kê, quân Việt đại bại, buộc vua Câu Tiễn phải đầu hàng Ngô vương Phù Sai. Câu Tiễn, cùng Hoàng hậu và tướng Phạm Lãi, bị bắt làm tù binh tại nước Ngô.
Tại đây, họ chịu đựng những công việc hèn mọn như chăm sóc ngựa và dọn dẹp chuồng ngựa. Đỉnh điểm là để lấy lòng tin tưởng của Phù Sai, Câu Tiền đã hạ mình nếm phân Phù Sai để đoán bệnh.
Sau ba năm, Câu Tiễn được trả tự do. Trở về nước, ông cùng Văn Chủng và Phạm Lãi dốc sức xây dựng đất nước. Vua đích thân tham gia lao động cùng dân.
Một lần, Phạm Lãi đến gần chỗ Câu Tiễn thường nằm phát hiện ra, dưới chỗ vua nằm là một lượt gai, phía trên treo lủng lẳng một túi mật, thỉnh thoảng vua lại nhấm một giọt. Thấy lạ, Phạm Lãi bèn hỏi:
– Muôn tâu, sao lại như thế này?
Câu Tiễn thong thả trả lời:
– Tự hành, đó cũng là nuôi chí. Ta làm như vậy là để nhớ những cay đắng, tủi nhục từ trận Cối Kê thảm hại năm xưa.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, nước Việt dần hùng mạnh. Với sự giúp đỡ của Phạm Lãi, Câu Tiễn cuối cùng đã đánh bại được nước Ngô, trả thù cho quốc gia.
Câu chuyện “nằm gai nếm mật” không chỉ là biểu tượng cho ý chí trả thù, mà còn là bài học về sự hy sinh, chịu đựng gian khổ vì đại nghĩa. Nó tương đồng với câu “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”.