“Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây” là một câu tục ngữ rất thường được sử dụng, ý nghĩa là thế sự thay đổi, thịnh suy vô thường. Ví dụ, một người từ hàn vi chuyển thành giàu có, hoặc từ giàu sang trở nên bần cùng, đều có thể dùng câu “Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây” để miêu tả. Vậy câu nói này bắt nguồn từ đâu?
Thực ra, “Hà Đông” và “Hà Tây” trong câu nói chỉ Hoàng Hà. Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai Trung Quốc, là nơi khởi nguồn chính của nền văn minh Trung Hoa, được gọi thân mật là “dòng sông mẹ”, tuy nhiên do chảy qua vùng Cao Nguyên Hoàng Thổ ở thượng nguồn, nên mang theo một lượng bùn đất lớn, khiến nước sông đục ngầu vàng vọt, bởi vậy mà có tên gọi Hoàng Hà. Nước sông mang theo nhiều bùn đất, khi chảy đến đồng bằng hạ lưu, dòng chảy chậm lại, bùn đất dần lắng xuống đáy sông, bồi lấp lòng sông, khiến mực nước dâng cao. Người dân buộc phải nâng đê hai bờ lên… Nhưng sức mang phù sa của dòng sông quá mạnh, không bao lâu sau lòng sông lại bồi lấp, người dân phải nâng đê cao hơn nữa. Cuối cùng họ không ngăn nổi dòng nước, sông vỡ đê tràn ra các vùng thấp hơn, thay đổi dòng chảy.
Trong lịch sử, Hoàng Hà từng nhiều lần thay đổi dòng chảy. Theo thống kê, trong vài ngàn năm trước năm 1946, Hoàng Hà vỡ đê lũ lụt gần 1600 lần, thay đổi dòng lớn tới 26 lần!
Mỗi lần thay đổi dòng, những gia đình sống bên bờ Hà Đông có thể trở thành sống bên bờ Hà Tây… Vì vậy người ta thường dùng câu “Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây” để nói về sự thay đổi của thế sự, thịnh suy vô thường…